Hướng đến phát triển ngành sản xuất VLXD bền vững

18/12/2017

Phát biểu kết luận Hội nghị Vật liệu xây dựng toàn quốc sáng 12/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng ngành vật liệu xây dựng (VLXD) trong nước cần hướng đến phát triển một cách bền vững trên cơ sở sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường; đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và tham gia xuất khẩu.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về VLXD và khoáng sản làm VLXD đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đưa ngành VLXD nói chung trở thành một trong những ngành đạt tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng gần như mọi nhu cầu của người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng ngành VLXD trong nước cần hướng đến phát triển một cách bền vững trên cơ sở sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường; đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và tham gia xuất khẩu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể, hệ thống các quy định, thể chế về lĩnh vực VLXD đã được hoàn thiện. Sản lượng và chất lượng sản phẩm VLXD ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Tất cả các chủng loại sản phẩm VLXD chủ yếu như: Xi măng, kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát, gạch xây,… đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, từ chỗ cung không đủ cầu, phải nhập khẩu, đến nay đã vươn lên là nước xuất khẩu một số chủng loại VLXD hàng đầu khu vực.

Các loại khoáng sản làm VLXD như: Đá vôi, đá sét và phụ gia cho sản xuất xi măng; cao lanh, fenspat và đất sét cho sản xuất gốm sứ; cát trắng cho sản xuất kính xây dựng; đất sét sản xuất vật liệu nung; đá và cát phục vụ xây dựng… đã được thăm dò, khai thác và chế biến theo quy hoạch, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất VLXD, đóng vai trò quan trọng cho phát triển ngành công nghiệp VLXD của cả nước nói chung và các địa phương nói riêng.

“Ngành VLXD đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển, tạo ra nhiều chủng loại VLXD có chất lượng, khối lượng lớn, bảo đảm cơ bản mọi nhu cầu xây dựng trong nước, góp phần tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác quản lý Nhà nước ngành VLXD thời gian qua cũng bộc lộ một số mặt còn tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.

Công tác thăm dò dự báo tài nguyên khoáng sản làm VLXD còn hạn chế. Công tác quản lý trong việc cấp phép, khai thác tài nguyên khoáng sản của các cấp, các ngành, đặc biệt là ở các địa phương còn bất cập dẫn đến khai thác không phép, trái phép còn diễn ra nhiều trong thời gian qua.

Về quy hoạch, chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể về khoáng sản làm VLXD để quản lý, kiểm soát một cách hệ thống. Chất lượng quy hoạch tài nguyên khoáng sản làm VLXD còn thấp, phải điều chỉnh liên tục, do đó ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Việc đầu tư sản xuất một số sản phẩm VLXD chưa theo quy hoạch, một số thời điểm để cung vượt quá cầu, dẫn đến lãng phí đầu tư; chưa sản xuất được nhiều loại VLXD mới; chưa quản lý chặt chẽ về môi trường trong sản xuất, một số dự án gây ô nhiễm môi trường.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện Chương trình vật liệu xây không nung chưa đạt được mục tiêu đề ra.

“Nguyên nhân có thể do cơ quan quản lý Nhà nước chưa kiểm soát được, hoặc do đưa ra chỉ tiêu quá cao. Bộ Xây dựng cần phải có những đánh giá toàn diện, không chủ quan thực tế này”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Về xử lý và sử dụng chất thải của các nhà máy nhiệt điện hóa chất, phân bón làm VLXD, Phó Thủ tướng cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành các cấp chưa có giải pháp tích cực hỗ trợ, hướng dẫn việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao sau chế biến vào lưu thông và sử dụng. Các đơn vị xả thải chưa quan tâm đúng mức tới việc đầu tư các dây chuyền xử lý chất thải, các đơn vị đầu tư xử lý chất thải còn thiếu chủ động, chưa được hưởng các chế độ khuyến khích theo quy định.

Coi trọng thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cơ hội là rất lớn cho các doanh nghiệp VLXD trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

“Phải coi trọng thị trường nội địa, nhưng cũng phải hướng đến thị trường xuất khẩu để nâng cao chất lượng, giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cùng với đó, việc phát triển sản xuất VLXD phải hướng tới sự ổn định, bền vững trên cơ sở sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường; đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và tham gia xuất khẩu.

“Cần đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu, cơ sở chế biến nguyên liệu chuyên nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn; đầu tư chiều sâu, nâng cấp công nghệ cũ, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu mới đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của thị trường và nền kinh tế; từng bước hội nhập khoa học và công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng quốc tế, nâng cao trình độ nghiên cứu trong nước, rút ngắn khoảng cách về công nghệ với thế giới. Nghiên cứu sử dụng các loại chất thải làm nguyên, nhiên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển cơ khí chế tạo cho công nghiệp vật liệu xây dựng.

Để triển khai thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả, bài bản, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực VLXD, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm xi măng và khoáng sản làm VLXD chủ yếu ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp quản lý về đầu tư phát triển VLXD. Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất những loại VLXD mới, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay. Chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án nghiên cứu phát triển VLXD phục vụ cho các công trình xây dựng ven biển và hải đảo.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản, đặc biệt là cát sỏi lòng sông. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong đó có khoáng sản làm vật liệu xây dựng để có đầy đủ thông tin, số liệu phục vụ cho công tác lập quy hoạch.

Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách về thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, phí bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình thực tế; có cơ chế ưu đãi khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản hoặc sử dụng vật liệu từ phế thải, vật liệu mới thay thế vật liệu tự nhiên, thân thiện môi trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu phát triển vật liệu mới thân thiện môi trường trong đó có VLXKN; tổ chức thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao để làm VLXD và công bố tiêu chuẩn quốc gia theo quy định.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát quy hoạch khoáng sản làm VLXD thông thường và cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn theo hướng hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, loại bỏ các cơ sở khai thác, chế biến có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Dừng đầu tư mới đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung. Không sử dụng cát tự nhiên khai thác từ lòng sông để làm vật liệu san lấp, đặc biệt đẩy mạnh việc sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên.

Theo Xuân Tuyến-Nhật Bắc/Chinhphu.vn