(ĐTCK) Kết quả này cũng là điều dễ hiểu, khi ban lãnh đạo mới tham gia điều hành CTCP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB) đã kế thừa và tiếp tục phát huy được những lợi thế vốn có của KSB. Đồng thời mạnh dạn thay đổi, cải tiến trong mô hình quản lý, cách thức vận hành bộ máy và luôn tập trung vào hoạt động cốt lõi là khai thác, chế biến khoáng sản.
Từ lo ngại ban đầu
Cuối tháng 2/2016, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái toàn bộ vốn tại KSB, cơ cấu cổ đông có sự thay đổi lớn, ban lãnh đạo mới tham gia điều hành và tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp.
Nhiều thông tin về việc từ nhiệm, bổ nhiệm nhân sự cấp cao từ KSB được công bố khiến giới đầu tư cho rằng, vấn đề “thay máu, đổi chủ” đang diễn ra tại KSB khi có nhóm cổ đông mới thâu tóm doanh nghiệp. Đáng chú ý hơn, thông tin ông Trần Đình Hải, Tổng giám đốc KSB từ nhiệm vì lý do sức khỏe đã dấy lên sự lo ngại về hoạt động của công ty.
Cần phải nói thêm rằng, ông Hải là người đã gắn bó với KSB từ những ngày đầu thành lập, có kinh nghiệm và sự hiểu biết chuyên sâu trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Kết quả kinh doanh hàng năm của KSB luôn có sự tăng trưởng ổn định, cổ tức đều đặn 25-30% bằng tiền mặt mỗi năm…, thành quả ấy không thể thiếu bóng dáng vị CEO này.
Trong khi đó, nhóm cổ đông mới chưa có thời gian để chứng tỏ năng lực và cũng không ít trường hợp trên thị trường, đội ngũ lãnh đạo mới không mang lại kết quả như kỳ vọng, có khi còn đi xuống, do sự thay đổi trong Ban điều hành sau tái cấu trúc. Cùng với đó, cổ phiếu KSB có những biến động sau khi nhóm các nhà đầu tư mới tham gia, như “khẳng định” thêm những nghi ngờ trên.
Không chỉ cổ đông, người lao động trong Công ty cũng không khỏi hoang mang về dàn lãnh đạo mới. Bởi ở nhiều doanh nghiệp, khi có Ban điều hành mới thì sẽ áp dụng chính sách mới, chẳng hạn cắt giảm nhân sự, thay đổi chính sách phúc lợi, lương thưởng của người lao động… Thậm chí, theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng rất quan tâm tới nhóm cổ đông mới, nên cử cán bộ tìm hiểu xem họ có “làm thật” hay không.
…đến thực tế khả quan
Tuy nhiên, đến thời điểm này, với những gì mà Ban lãnh đạo mới KSB thực hiện và đạt được, mọi hoài nghi đã tan biến, thay vào đó là niềm tin vào sự phát triển bền vững của Công ty. Chỉ mới tiếp nhận vị trí điều hành trong quý II/2016, nhưng sự đổi mới trong quản trị, điều hành đã giúp tiết giảm chi phí, từ đó giúp biên lợi nhuận gộp của KSB tăng từ 36% lên 41% chỉ ngay sau đó một quý.
Trong năm 2017, KSB đã thí điểm áp dụng phương thức khoán, xúc tiến triển khai thành lập các công ty con theo hướng phát triển lâu dài. KSB cũng mạnh dạn đầu tư và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất trong khai thác khoáng sản do các chuyên gia nước ngoài thực hiện và chuyển giao cùng với đội ngũ các chuyên viên giàu kinh nghiệm.
Đồng thời, rà soát lại các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, quy trình sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm theo quy định quản lý chất lượng ISO 9001-2008; áp dụng công nghệ thông tin trong quản trị và điều hành sản xuất theo hướng thuận lợi, giảm bớt những quy định không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý công việc, tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất; chuyển đổi cho thuê Trung tâm hội nghị, tiệc cưới Thanh Bình KSB; sắp xếp lại Đội Vận tải, Đội Xây dựng do không hiệu quả trong hoạt động sản xuất-kinh doanh..
Đối với vấn đề nhân sự, trái với lo ngại ban đầu, đội ngũ lao động không những không bị cắt giảm hay sa thải, mà còn được bổ sung thêm những nhân sự chuyên trách cho từng mảng hoạt động. Ban điều hành KSB xác định, nhân sự là chìa khóa quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp. Theo đó, duy trì và phát triển năng lực của mỗi cá nhân được Ban điều hành rất chú trọng.
Mức lương bình quân và thu nhập bình quân có sự tăng trưởng đáng kể qua các năm, nhằm đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên và người lao động. Với mục tiêu kế thừa, từng bước sắp xếp lại tổ chức sản xuất và nhân lực, HĐQT KSB đã thành lập một số phòng ban, giải thể-sát nhập-cho thuê một số đơn vị không hiệu quả; bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cấp Công ty, tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho nhu cầu tái cấu trúc theo chiến lược phát triển dài hạn.
Kết thúc năm 2016, KSB đạt 850 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 15% so với thực hiện 2015, biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 36% lên 40,3% nhờ vào giá bán đá tăng hơn 10% và tiết giảm chi phí sản xuất. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 206 tỷ đồng, tăng mạnh 64% so với con số của năm 2015, EPS 2016 đạt 7.836 đồng.
Thông thường, quý I/2017 là mùa thấp điểm của hoạt động xây dựng, nhưng KSB vẫn ghi nhận kết quả vượt trội so với cùng kỳ nhờ nhu cầu vật liệu xây dựng tăng, sản lượng khai thác cũng tăng theo, đồng thời cách thức vận hành mới đã phát huy hiệu quả, tối ưu hóa sản xuất, tối thiểu hóa chi phí…
Theo đó, kết thúc quý I/2017, KSB đạt doanh thu 240,5 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2016, trong khi giá vốn chỉ tăng chưa đến 20%. Nhờ vậy, biên lợi nhuận gộp tiếp tục được cải thiện, tăng 56%, đạt 106 tỷ đồng. Các chi phí khác giữ ở mức ổn định. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 61 tỷ đồng, tăng tới 84% so với cùng kỳ 2016 và bằng 25% kế hoạch năm.
Với kết quả trên, thu nhập bình quân của người lao động tính từ thời điểm có Ban điều hành mới đến nay (không tính HĐQT, Ban điều hành) đã tăng 14,3% so với quý IV/2016. Theo kế hoạch, năm 2017, KSB sẽ trích Quỹ khen thưởng phúc lợi là 15% lợi nhuận sau thuế, tương ứng hơn 36 tỷ đồng.
Duy trì mức tăng trưởng cao
Trong năm nay, KSB lên kế hoạch khai thác khoảng 4,2 triệu m3 đá, doanh thu và lợi nhuận sau thuế mục tiêu lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 240 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 17,65% và 16,5% so với thực hiện 2016; cổ tức dự kiến 25%. Biên lợi nhuận gộp dự kiến sẽ được cải thiện vượt mức 40,35% của năm 2016 nhờ các chính sách điều hành trong năm qua tiếp tục phát huy hiệu quả.
Đối với hoạt động đầu tư, KSB dự kiến chi khoảng 1.400 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, máy móc thiết bị, đền bù đất, mở rộng Khu công nghiệp Đất Cuốc… KSB đang có kế hoạch đầu tư thêm một số mỏ đá nhằm gia tăng trữ lượng khai thác mỗi năm từ 30 triệu m3 lên 70-100 triệu m3 (trong vòng 20 năm). Bên cạnh đó, KSB có kế hoạch khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp xuống sâu thêm 30m, trong khi mỏ Phước Vĩnh được cho phép khai thác xuống độ sâu 20m, với sản lượng khai thác tối đa hàng năm theo kế hoạch là 2 triệu m3…
Chia sẻ về quyết tâm và ứng xử tại thời điểm chuyển giao, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KSB chia sẻ: “Ban lãnh đạo mới đã khẳng định trước người lao động và cổ đông của KSB về việc tham gia điều hành là để ổn định sản xuất, bổ sung thêm nguồn lực để làm cơ sở cho kế hoạch phát triển của Công ty. Với truyền thống đoàn kết và nguồn lực sẵn có của KSB, HĐQT và Ban điều hành xác định mục tiêu đến năm 2020 trở thành nhà cung cấp hàng đầu khu vực Đông Nam Bộ về sản phẩm vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá xây dựng chất lượng cao. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bộ máy vận hành đã có sự kế thừa, nên các hoạt động duy trì được sự ổn định, tăng trưởng và những điều cam kết đến nay đã được thực hiện phần nào”.
Có thể nói, KSB là một trong những trường hợp điển hình cho thương vụ M&A thân thiện, với những cái bắt tay, phối hợp giữa Ban lãnh đạo cũ và cổ đông mới đang mang lại hiệu quả thiết thực. Vị thế Công ty được khẳng định và tạo đà vững chắc, thúc đẩy tăng trưởng vượt bậc cho các năm tiếp theo, khi Công ty kết hợp được kinh nghiệm của những lãnh đạo đi trước và sức trẻ, tiềm lực tài chính, quản trị tiên tiến của nhóm cổ đông mới.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn